Vào lúc 8g30 sáng ngày 20/6/2020 (Thứ bảy) tại Hội trường lầu 2, Trường Đại Học Ngân Hàng TP. HCM , số 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1, đã diễn ra Hội thảo “TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN”.
Buổi hội thảo đã thu hút sự tham dự của rất nhiều giảng viên, cán bộ nghiên cứu đến từ trường ĐH Ngân Hàng TP.Hồ Chí Minh và từ các trường Đại học khác trên địa bàn như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Tài chính – Marketing…. Bên cạnh đó, Trường ĐH Ngân Hàng cũng rất vinh dự đón tiếp các khách mời là đại diện đến từ các ngân hàng thương mại, như Agribank, HDBank, Vietcombank, TPBank, CIMB, MBB,.. cũng như đại diện các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam như Rapbank Việt Nam và Viet.AI.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh đã chia sẽ rằng Tài chính toàn diện – Financial Inclusion là một chủ đề có tính thời sự rất cao và đang nhận được quan tâm đặc biệt của Ngân Hàng Nhà Nước trong việc ban hành và thực thi nhiều chủ trương và đề án trong thời gian sắp tới. Và khi đặt trong bối cảnh công nghệ 4.0 đã và đang phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, Fintech được xem là kênh dẫn đặc biệt để thúc đẩy công cuộc tài chính toàn diện của quốc gia được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phát triển hệ thống tài chính toàn diện quốc gia có sự đóng góp rất lớn của các ngân hàng và các công ty fintech. Thực tiễn cũng cho thấy, các thành tựu về công nghệ số là tiền đề quan trọng để phát triển các dịch vụ và kênh phân phối phù hợp, nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian cũng như giúp giảm chi phí giao dịch.
TS. Nguyễn Trần Phúc – Trưởng khoa Ngân Hàng Trường Đại Học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu dẫn đề
Phát biểu dẫn đề hội thảo, TS. Nguyễn Trần Phúc – Trưởng khoa Ngân Hàng, đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo, cho biết vào ngày 22/201/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Chiến lược này, chính phủ mong muốn mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Một số chỉ tiêu cụ thể như ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được cấp phép, ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20%-25% hằng năm. Để đạt được các mục tiêu trên thì rất cần sự phối hợp của các tổ chức chính phủ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong các vấn đề như pháp lý, phát triển kênh phân phối, đổi mới công nghệ, phát triển dịch vụ sản phẩm…Trong bối cảnh trên, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM tổ chức hội thảo này với kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin, đưa ra những nhận định, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng, cơ hội và thách thức trong triển khai chiến lược tài chính toàn diện gắn với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam.
Phần 1 đã diễn ra với sự chia sẻ của các diễn giả là những giảng viên, nhà khoa học về các vấn đề của tài chính toàn diện và công nghệ tài chính:
Tham luận 1: Phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam – Thực trạng và một số giải pháp. ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh – Khoa Tài chính, trường ĐH Ngân Hàng
Tham luận 2: Những nhân tố ảnh hưởng đến tài chính toàn diện. TS. Nguyễn Duy Linh – Khoa Tài chính, trường ĐH Ngân Hàng
Tham luận 3: Sự khác biệt giữ ngân hàng và công ty tài chính. ThS. Lê Hoài Ân – Khoa Ngân Hàng, trường ĐH Ngân Hàng
Tham luận 4: Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện trong thời đại Fintech. TS. Hà Văn Dương, khoa Sau đại học, trường ĐH Ngân Hàng
Ban chủ tọa điều hành hội thảo
Phần 2 là phiên thảo luận với sự dẫn dắt của Ban chủ tọa bao gồm: PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Ngân Hàng, TS. Nguyễn Trần Phúc – Trưởng khoa Ngân Hàng Trường Đại Học Ngân Hàng và Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc điều hành tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt. Cuộc thảo luận đã diễn ra với không khí sôi nổi, nhận được nhiều chia sẽ đa chiều từ nhiều góc nhìn đến từ các nhà khoa học, từ phía các Ngân Hàng thương mại cũng như từ các doanh nghiệp Fintech.
Ông Ngô Ngọc Tuân –Phó Giám đốc, Vietcombank Kỳ đồng phát biểu thảo luận
Hội thảo kết thúc vào 11h30 phút cùng ngày.
Ban tổ chức chụp hình với diễn giả, khách mời và các giảng viên khoa Ngân Hàng
TM Ban Tổ Chức – Khoa Ngân Hàng, Trường Đại Học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh